11 lý do bạn nên du học và định cư New Zealand

Cơ duyên du học & định cư New Zealand

Tử vi của tôi có sao gì chiếu mệnh mà tôi rất có duyên với giáo dục tư bản giãy chết.

Pháp: 1996-98, tôi học Associcate Diploma 2 năm hệ Pháp của trường Hoa Sen. 1999-2001, học MBA (hệ pháp) của CFVG khóa 8. Tôi trượt 1 kỳ thi tuyển để sang Pháp học 1 năm, nên phải hoàn thành tại VN. Vì làm cho cty Pháp nên cũng đi lòng vòng nước pháp vài lần.

Singapore: 2001 tôi nhận 2 cái học bổng chính phủ cho nhân viên công ty tư nhân của ASEAN. Qua đó học 1 tháng tập trung về kinh doanh quốc tế & tài chính.

Úc: tôi theo học EMBA của đại học RMIT tại VN để cập nhật kiến thức. Ngày làm, tối học. Đây cũng là giai đoạn tôi manh nha muốn đi Canada, nhưng tắt ngúm vì động cơ chưa đủ mạnh.

Chưa bao giờ nghĩ đến New Zealand đến khi gặp công ty tư vấn Nam Phi năm 2012.

Tôi quyết định học và thi GMAT, chuẩn bị đi Canada năm 2015.

gmat

Tôi chia sẻ ý định đi Canada & tìm hiểu về New Zealand với bạn Lê Ngô Luân, học Master về tài chính ở Massey. Tôi vẫn nộp hồ sơ đi học Canada.

Trường nhận, lệ phí đóng nhưng hủy giờ chót vì một chị đồng nghiệp Mekong Capital. Chị bảo “Vinh đi học và định cư New Zealand đi vì không còn nhiều cơ hội nữa đâu’. Ý tưởng NZ lại trỗi dậy, tôi so sánh 2 nước lần cuối cùng và quyết đinh.

4/9/2015 tôi đặt chân đến New Zealand, học 1 năm chương trình của NZ. Để cuộc sống du học của bạn nhiều ý nghĩa, nên chuẩn bị trước.

1) Định cư New Zealand bằng con đường du học với chi phí hợp lý

Chi phí du học bao gồm học phí và các loại phí khác. Học phí phổ thông từ 11.000-25.000 NZD/năm, cao đẳng là 12.000-20.000 NZD/năm, đại học là 18.000-30.000 NZD/năm. Bạn tham khảo chi tiết bài chi phí du học New Zealand năm 2018 để chuẩn bị ngân sách gia đình.

Vì có 2 con nhỏ, nên tôi chọn chương trình sau đại học, level 8 (thạc sỹ là level 9). Hai con được học miễn phí như người bản xứ. Chỉ phải đóng 1 số tiền nhỏ đồng phục, đi dã ngoại và đóng góp 100-150/năm. Vợ được cấp visa đi làm.Tôi đi học 1, được 3. Vô cùng có lợi.

Thời điểm 2015, thì chương trình này quá tốt so với Canada. Luật mới vừa thay đổi, từ ngày 26/11/2018, nếu bạn học level 8 mà không trong ngành thiếu hụt, thì con cái bạn không được học miễn phí tronng thời gian bạn học. Tuy nhiên, sau khi bạn học xong, bạn được cấp visa làm việc đến 3 năm, con bạn được miễn phí. Điều này vẫn tốt hơn Canada nhiểu.

Nếu bạn học thạc sỹ hay tiến sỹ thì con cái được học miễn phí ngay từ đầu. 1 bạn đồng nghiệp VN khác, đã từng sống & làm việc ở Nam Phi, Đan Mạch, Singapore cũng chọn NZ học để định cư. Mọi thứ cũng rất thuận lợi cho bạn ấy.

2) Hệ thống giáo dục tiên tiến

Với 8 trường đại học & hàng trăm trường công và tư khác, bạn có thể học bất kỳ ngành gì. NZ có hơn 500 chuyên ngành để bạn theo đuổi ước mơ.

Theo ranking của QS, giáo dục đại học (higher education) của NZ đứng hạng 16 trên toàn thế giới năm 2016 đứng thứ 5 trong các nước nói tiếng Anh.

Theo GDP, New Zealand là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục (xem hình)

định cư new zealand - chi tiêu cho giáo dục
Chi tiêu của chính phủ cho giáo dục (nguồn: https://www.educationcounts.govt.nz/statistics/indicators/main/resource/total_investment_in_education)

Du học định cư New Zealand không khó như bạn nghĩ; visa phần lớn tùy thuộc vào:

  • Học lực: trung bình khá trở lên
  • Tiếng anh đáp ứng yêu cầu của khóa học: 5.5 nếu học diploma level 5; 6.0 nếu học level 6 và level 7; 6.5 nếu học level 8 trở lên. Nếu không đủ thì có thể học thêm General English hoặc IELTS preparation
  • Khả năng chứng minh tài chính du học: đây là vấn dề kỹ thuật, hay nói đúng hơn là nghệ thuật. Đôi khi nó không phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu tiền, mà chứng minh bạn có đủ tiền để học

Du học sinh nz tham khảo thêm báo cáo của bộ giáo dục để thấy xu thế sau khi tốt nghiệp.

3) Chương trình học đa dạng

New Zealand cung cấp rất nhiều khoá học và chương trình học đa dạng phù hợp với mọi nhu cầu. Hầu hết các trường đều có cơ sở vật chất đầy đủ: phòng học, phòng lab, thư viện, khu thể thao…

Tôi đã có bằng MBA (level 9) của RMIT, nên tôi không chọn học chương trình thạc sỹ. Thay vào đó, tôi chọn học Post graduate Diploma (level 8) để rút ngắn thời gian & tiết kiệm chi phí. Anh bạn tôi kể bên trên thì chọn học thạc sỹ của AUT 1 năm mặc dù đã có MBA của Úc. Chương trình học của bạn này rất phù hợp với kế hoạch làm việc của bạn ấy.

Một cô bạn khác có bằng MBA của Thụy Sỹ thì cũng chọn level 8, vì nó phù hợp với nhu cầu.

Đối với các bạn độc thân, muốn tìm việc & định cư New Zealand, các bạn nên chọn chương trình level 7 thôi. Như vậy, thời gian của bạn sống & làm việc ở New Zealand sẽ dài hơn. Nhiều cơ hội hơn là học thạc sỹ. Nếu bạn muốn quay về VN, thì hẵn học cao (vì VN chuộng bằng cấp cao). Bạn cứ nghĩ kỹ: giết gà thì không dùng đến dao mỗ trâu.

Chính vì đa dạng như vậy, nên bạn luôn có nhiều lựa chọn. Mục tiêu mỗi người mỗi khác, ngân sách cũng khác nhau, nên chọn ngành cũng khác nhau.

Hãy chọn ngành mà bạn đam mê nhất, vì có mê mới giỏi được. Còn nếu bạn thực dụng, cũng chẳng sao. Các ngành, nghề có đông học sinh các nước thế giới thứ 3 học là

Còn các bạn không đủ khả năng học hành một cách hàn lâm, thì nên chọn học nghề. Nghề của NZ có thu nhập cao hơn làm văn phòng. Chỉ cần gọi điện thoại kêu họ đến nhà bạn sửa gì là họ cũng đã tính tiền bạn rồi.

Vì lý do gì đó mà bạn không muốn đi NZ, bạn vẫn có thể an tâm cho con cái qua đây học. Học sinh dưới 18 tuổi được chính phủ bảo vệ kỹ lắm. Người chủ nhà nuôi con của bạn phải được cảnh sát kiểm tra nhân thân rõ ràng. Không có hiện tượng giao trứng cho ác mẫu như ở VN.

4) Cơ hội làm việc

Chi phí du học cho dù có hợp lý và rẻ, giáo dục có tiên tiến mà ra trường thất nghiệp cũng như không. Tuy nhiên, NZ cho học sinh đi làm thêm để kiếm tiền và tích lũy kinh nghiệm.

Học sinh có 20 giờ/tuần trong thời gian học; được làm toàn thời gian vào các kỳ nghỉ hè, với mức lương tối thiểu là 16.50 nzd/giờ kể từ 1/4/2018

Một số chương trình học cho phép vợ/chồng của du học sinh được cấp work visa để đi làm. Con cái của người có work visa được học miễn phí trong suốt thời gian work visa của cha/mẹ.

Nước rộng, người thưa, chỉ cần bạn chăm chỉ, cầu tiến và khả năng anh ngữ khá, cơ hội tìm việc của bạn không khó. Sinh viên được ở lại làm việc 1-3 năm tùy cấp học.

Bạn lo lắng về cách viết CV xin việc tại New Zealand hay các chiêu viết CV, thậm chí cách phản hồi khi bị từ chối thì tham khảo các link trong câu văn này.

5) Cơ hội định cư

Như đã từng chia sẻ, định cư New Zealand bằng con đường du học là ít rủi ro nhất. Bạn hầu như không thể tìm được việc ở NZ nếu bạn còn ở VN. Dù đi kiểu gì, thì bạn cũng phải mất thời gian để học lại, cập nhật kiến thức. Chi bằng đi học và đi làm ngay sau đó.

Sau khi tốt nghiệp, học sinh có từ 1-3 năm làm việc. Trong thời gian này, bạn được resident visa (50 nghề của Việt Nam) theo dạng tay nghề khi đủ 160 điểm. Độc thân thì nên học diploma level 5-6-7, muốn được đặc quyền hơn thì học cử nhân (bachelor); có gia đình và muốn đưa cả nhà cùng đi thì học level 8 trở lên.

Định cư New Zealand, cùng với các nước khác là niềm mơ ước của nhiều gia đình. Nếu bạn chưa bao giờ ra khỏi biên giới, bạn sẽ chưa cảm nhận rõ cái khát khao cháy bỏng của nhiều người. Hãy thực hiện ước mơ vì ai cũng chỉ sống 1 lần.

Dinh cu new zealand bang con duong du hoc

Nếu bạn có kỹ năng mà NZ thiếu thì có thể định cư bằng con đường “skills” giống như Canada hay Úc. Nếu bạn có kinh nghiệm quản lý & rủng rĩnh tiền thì có chương trình Định cư New Zealand diện doanh nhân (entrepreneur work visa). Nếu bạn siêu giàu thì có diện Investor Visa với số tiền 3 triệu nzd.

6) Chất lượng cuộc sống

Bạn có bao giờ đặt câu hỏi vì sao người Mỹ, Anh cũng muốn định cư New Zealand & đặc biệt là giới nhà giàu TQ.

New Zealand luôn là 1 trong số 5 quốc gia đáng sống nhất trên thế giới cho dù bạn xếp loại theo tiêu chí nào.

Là đất nước có nhiều người nhập cư, nhất là Trung Quốc & Ấn Độ, giá nhà thuê hay mua đều mắc. Tìm nhà để ở khi mang cả gia đình sang lúc ban đầu có thể khó khăn. Nếu bạn là người nước ngoài (chưa có thường trú nhân) và muốn mua nhà, xin lỗi, bạn quá trễ. Ngày 15/8/2018, luật cấm người nước ngoài mua nhà được thông qua.

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, thuận lợi cho nhu cầu đi lại người dân. Bạn có thể dùng thẻ xe buýt để sử dụng phương tiện công cộng hoặc mua xe để di chuyển nếu ở ngoại ô.

Các chương trình phúc lợi và an sinh xã hội cao đối với người bản xứ. Vì mức sống cao, nên chi phí điều trị y tế cho bạn cũng cao. Vì vậy, là sinh viên quốc tế, bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế

Người Việt mình hay nói “ăn nhiều chứ ở bao nhiêu”, câu này chỉ đúng ở VN thôi. NZ thì ở tốn nhiều hơn ăn. 1 căn hộ 2 phòng tại trung tâm thành phố khoảng $450/tuần, chưa kể điện nước, internet, truyền hình cáp (hay netflix). Nhà thuê thì 500-700/tuần. Giá nhà thì đắt khủng khiếp.

7) An toàn (thực phẩm, trị an xã hội, giao thông)

Trên thế giới, chỉ có ở NZ có chương trình bảo hiểm tai nạn miễn phí cho bất kỳ du khách nào đến thăm hay làm việc. Vì sao chính phủ họ tự tin như thế?

New Zealand rất an toàn. Đi “nhậu” đến 3-4h sáng, đi bộ về nhà mà không phải lo lắng. Con tôi bỏ quên đồ có giá trị trong nhà vệ sinh bảo tàng, vẫn nhận lại đầy đủ. Tôi đi du lịch với anh bạn ở Christchurch, bỏ quên cái vali ngoài đường, 2 h sau quay lại vali vẫn nằm đấy.

Bạn có thể uống nước từ vòi trừ 1 số khu vực bị nhiểm do nguồn nước bị mưa bão, nước bị đục (chỉ bị khi có sự cố thiên tai)

Chỉ cần bọn nhón chân xuống đường, xe sẽ nhường cho bạn đi qua. Bạn sẽ không bao giờ thấy pikachu hành dân hay xin đểu bánh mỳ như ở Việt Nam.

NZ cũng có tai nạn giao thông, cũng có cướp, cũng có giết người như bao đất nước trên thế giới. Nhưng tỷ lệ thì quá thấp để kể.

Không khí để thở thì ổn hơn VN nhiều, do ít người, mật độ xe cộ, xây dựng…ít hơn VN

không khí ô nhiểm

8) Con người thân thiện, hiền hòa

Có thể bạn đã nghe nhàm tai cụm từ “thân thiện & đáng yêu” mỗi khi được giới thiệu về một đất nước này. Sinh viên quốc tế luôn được chào đón vì giáo dục là ngành mũi nhọn thứ 5 của NZ. Các bạn an tâm học tập & làm việc tại nơi đây.

Ngay cả người Việt sang NZ vì bất kỳ lý do gì, họ cũng hoàn toàn khác chính họ khi đang ở VN. Có thể do đất lành nên sinh ra quả ngọt.

9) Địa lý, phong cảnh và Khí hậu thuận lợi

New Zealand được chia thành 2 đảo bắc, nam. Khí hậu đa dạng: vừa cận nhiệt đới, vừa nhiệt đới, lại vừa ôn đới. Điều kiện tự nhiên, nhất là ở Auckland dễ chịu và phù hợp với người Việt Nam.

NZ thường có động đất ở khu vực Christchurch. Ở khu này thì ít người Việt nên mọi người cũng chẳng có gì lo lắng

Cảnh đẹp trong phim Chúa tể của những chiếc nhẫn và The Hobbit đi dâu bạn cũng gặp. Cảnh đẹp thì miên man. Nhiều bạn đến NZ nói, chẳng cần đi đâu, ra ngõ thôi đã thấy cảnh đẹp.

Nắng ở New Zealand có rất nhiều tia UV có hại cho da, bạn nên thủ sẵn kem chống nắng.

10) Đa văn hoá & yêu thể thao

Auckland là thành phố đa sắc tộc thứ 2 trên thế giới chỉ sau Toronto, Canada. Đa sắc tộc nên bạn dễ dàng tìm thấy quán ăn, tín ngưỡng, ngôn ngữ của nhiều nước. Ở Auckland có chùa VN cho các bạn viếng tuỳ lúc

Người Maori là chủ nhân của NZ trước kia, họ rất thân thiện. Bạn sẽ không thấy lạ lẫm nếu đã từng giao tiếp với những người đảo Polynesian.

Môn thể thao vua của người bản xứ là môn Rugby, đội tuyển All Blacks là con cưng. Đôi lúc tôi tự hỏi, có phải vì yêu đội All Blacks mà người dân ở đây chuộng màu đen.

Đội tuyển quốc gia thuyền buồm cũng là niềm tự hào của họ. Các môn bóng đá thì thường thường thôi, họ chẳng thắng nổi đội tuyển VN đâu.

Dù xa VN, thì nơi đây không thiếu món ăn Việt Nam.

Nhà hàng thì có: Cafe Hà Nội, Hà Nội Corner, Le Viet Kitchen, nhà hàng Sen, Việt Flames…Đến siêu thị VN có đầy đủ thực phẩm: mắm linh, mắm ruốc hay mắm tôm…Thậm chí nhiều người Việt có khả năng nấu nướng cũng bán thức ăn hàng ngày cho những người con xa quê.

11) Không có rắn

Lý do này có vẻ buồn cười. Nhưng đối với những người thích đi “bụi”, dã ngoại, trèo rừng vượt suối như tôi lại cảm thấy an toàn. Hoan hô 1 đất nước không có rắn.

* Có 1 điểm mới, vì nó chưa phải chính thức nên cũng chưa xếp vào lý do đáng để đi. Bay từ VN đến NZ chỉ có 11 tiếng. Ngủ đúng 1 giấc, sáng có mặt tại NZ.

Spread the love
  • 1.2K
  •  
  •  
  • 1.2K
  •  
  •  

2 thoughts on “11 lý do bạn nên du học và định cư New Zealand”

  1. Mình học postgraduate diploma of finance thi con mình có được học miễn phí ko, cháu ở tuổi tiểu học

  2. Cháu chỉ được miễn phí nếu cháu đi theo người có work visa, tức là chồng chị

Leave a Comment

Scroll to Top
Scroll to Top