Học tiếng Anh: cần phải làm gì để giỏi

Như bao học sinh dưới mái trường “XHCN” tôi làm quen với tiếng Anh khi vào lớp 6 thời 198x, cái thời học ê a “I am Peter và I am Mary” với các cô giáo làng ở tỉnh lẻ. Một số cô giáo chuyên tiếng Nga được trưng dụng đi đào tạo ngắn hạn về dạy chúng tôi. Giờ học ngoại ngữ của 3 năm trung học cơ sở (lớp 6-9) là nổi ám ảnh kinh hoàng đối với tôi vì tôi không đọc đúng, không trả lời được câu hỏi của cô trong khi bọn bạn trả lời nhanh như bắp, tôi thu mình mỗi khi có tiết học này mặc dù là 1 đứa trẻ hiếu động và ngịch ngợm.

Tôi lên Sài Gòn học cấp 3,  bắt đầu hành trình học tiếng Anh hàng đêm từ vỡ lòng với cuốn Streamline English thần thánh ở ĐH Sư Phạm (không biết bây giờ sách đó còn được giảng dạy ở đấy không). Cái thời mà băng cassette và đầu video cũng là của hiếm, những giờ được nghe băng của thầy tại lớp nó đáng quý vô cùng. Các bạn không tưởng tượng được cái cảnh 3-4 chục người trong 1 lớp học với vài cái quạt trần chạy hết công suất vẫn không làm khô những giọt mồ hôi trên trán chúng tôi khi đó (giờ thì các lớp ngoại ngữ có máy lạnh mát rượi rồi). Rồi thi bằng A, B sau đó là C ngay khi vào đại học. 1 tuần/lần, tôi ra thư quán ĐHSP mua cái tờ giấy “Special English” của đài VOA rồi về học từ và cập nhật tin tức. Đó là tất cả kênh tôi có được khi tiếp cận tiếng Anh.

Vào đại học, cũng tham gia câu lạc bộ nói tiếng Anh ở nhà văn hoá thanh niên, rồi Mai Thị Lựu. Nói nào ngay, ở các CLB đó, người giỏi làm công ty nước ngoài cũng có, đôi khi có vài ông Tây, nhưng phần lớn là SVHS đến để tập nói cho dạn dĩ thôi chứ nhiều người ở đó phát âm sai nhiều lắm. Bọn tôi chẳng sợ sai, chỉ sợ không dám mở miệng vì ngại sai, mắc cở. Nhờ ăn nói bạt mạng vậy cũng có vài cô theo đuổi kkk.

Ra trường đi làm ngay công ty Pháp, bắt đầu làm quen với máy tính và internet. Mà ngày đó không có YouTube, phần mềm duyệt web khi đó là Netscapte Navigator còn Windows 3.1. Làm công ty Pháp rồi, rồi học MBA bằng tiếng Pháp ở CFVG (khoá 8:1999-2001) tôi có bài luận án tốt nghiệp về “Thương mại điện tử” mà khi đó tài liệu tiếng Pháp thì ích quá. Cực chẳng đã lên mạng tra phần tiếng Anh, rồi dịch ngược sang tiếng Pháp.

Công ty Pháp (IPSEN) dùng tiếng Anh để giao tiếp với nhân viên VN vì ít người biết tiếng Pháp (khi nào có điều kiện, tôi sẽ chia sẽ về hành trình học ngoại ngữ 2 cho các bạn tham khảo) mà công ty thì có 2 ông Pháp nói tiếng Anh hihi. Chắc công ty sợ nhân viên mình nói tiếng Anh kiểu Pháp nên mời giáo viên UK ở trường Hoa Sen (hồi đó trường có 1 cái trung tâm ngoại ngữ rất nổi tiếng, toàn UK, không biết giờ còn không) về dạy cho nhân viên môn “Business English” rồi cả đám đi thi Business English Certificate (BEC) level 1 và 2 ở British Council.

Rồi tôi cũng bon chen xin học bổng Fulbright, hồ sơ qua vòng sơ tuyển năm 2002, ĐSQ Mỹ tổ chức thi TOEFL giấy institutional (chứ không thi chính thức), tôi đạt 550 và lọt vòng Essay. Essay quá tệ, tôi trượt vỏ chuối Fulbright từ đó. Ông bà mình bảo đâu ai xui mãi được, tôi lấy được học bổng của Singapore đi học 2 khoá ngắn hạn về Sales & Marketing và International Business Financing. Đây là giai đoạn tôi làm quen với tiếng Singlish (I quăn tu teo du som tinh: I want to tell you something). Hàng ngày đắm chìm trong môi trường tiếng Anh, 4 kỹ năng tăng lên thấy rõ. Vậy mà về lại VN, mèo vẫn hoàn mèo.

Không nhớ vì sao năm 2003 tôi thi IELTS, chỉ nhớ rằng đạt 6.5 điểm. Điểm gì tôi thi cũng khá, riêng phần speaking thì là giọng nhà quê 2 lúa nên phần nói không có cao. Năm 2007 thi lại IELTS  lần nữa, vẫn 6.5 chỉ có điều là điểm các kỹ năng nó chạy qua chạy lại so với hồi 2003, được nhận vào RMIT Việt Nam học executive MBA. Đùng 1 cái, qua cái công ty Mỹ (Mekong Capital), công ty gì mà toàn dân tốt nghiệp ĐH ở Mỹ, Úc và Canada, toàn dân có ACCA, CPA, CFA từ các Big 4, rồi các cty Fortune 500 (P&G, Unilever…). Ai cũng nói tiếng Anh siêu đẳng, viết lại càng hay, đọc mấy cái Investment proposal của họ sướng tê người. Được cái ông sếp lại tỷ mĩ nữa, cứ mình viết cái gì là ổng sửa lại  theo kiểu Mỹm(dùng tracked change như cái bài viết Cover Letter tôi đã đăng). Ban ngày làm việc với ông Mỹ, tối thì học với mấy ông Úc nên kỹ năng cũng tăng dữ dội.

Ngày nọ, nghe theo tiếng gọi nơi hoang dã của anh quỹ Dragon Capital, mình đi theo anh OBE Domic Scriven người xứ Ăng Lê. Ở công ty xuất thân từ UK thì phải nói tiếng Anh theo UK chứ còn gì nữa. Ở đó 2 năm mà giọng 2 lúa vẫn hoàn 2 lúa.

Khi rời Dragon Capital để về Techcombank (và công ty thành viên), toàn thời gian không viết 1 từ tiếng Anh trong suốt 3 năm trời (trừ đọc sách, xem phim và nghe nhạc). Kỹ năng viết và nói tụt thê thảm. Môi trường làm việc và áp lực thời gian (gia đình, công việc) tôi không duy trì được thói quen dùng tiếng Anh mỗi ngày. Khi chuẩn bị sang NZ tôi quay lại British Council  3-4 tháng để luyện nói trở lại. Rồi đi thi IELTS năm 2015, và một lần nữa 6.5. Ba lần thi trong 12 năm, tôi đều đạt 6.5, không có 1 tiến bộ nào!

Kể lể dài dòng 1.5 trang A4 rồi mà chẳng thấy một điểm sáng gì cả ngoài việc tôi làm gì ở đâu đúng không? Khi bạn đọc đến đây, có bạn nào phát hiện:

  • Tôi đổ lỗi phát âm sai là do cô giáo tôi dạy sai, tôi không cố gắng luyện giọng
  • Tôi chẳng nói đến sự cố gắng, rèn luyện nào
  • Tôi không duy trì thói quen dùng tiếng Anh mỗi ngày
  • Tôi tự tin đi thi đến mức không thèm luyện tập (practice) để chuẩn bị bài thi IELTS
  • Tôi chỉ đọc 1 loại sách duy nhất là Kinh Tế /Tài Chính đúng không

Có bạn nào có khuyết điểm y như vậy không? Nếu bạn thấy các điểm trên, bạn có thể tránh được không?

Chính tôi chứ không ai khác chịu trách nhiệm cho cái khả năng phát âm của tôi cả. Thay vì tôi ngồi luyện giọng, tôi cho rằng mình nói vậy người ta cũng hiểu là được rồi. Nếu các bạn không luyện, thì ngay cả một người làm công ty nước ngoài, học ở nước ngoài, học với người nước ngoài vẫn không thay đổi được đúng không. Đừng bao giờ bảo tiếng Anh khó quá, hãy bảo rằng bạn cố gắng chưa đủ.

Tôi để tiếng Anh nhập vào người 1 cách tự nhiên. Học tiếng Anh 1 cách tự nhiên là tốt, tuy nhiên người ta bảo văn ôn võ luyện. Mà không luyện thì làm sao mà giỏi. Tôi chỉ đọc lệch (sách kinh tế) thay vì nhiều chủ đề khác để nâng cao vốn từ vựng. Tạo một thói quen đọc sách từ chủ đề đam mê trước là tốt, nhưng phải đang dạng hoá nó khi đến một mức độ nào đó. Giờ đây, tôi cũng chẳng bon chen để thi IELTS một lần nào nữa, nhưng tôi bắt đầu chuyển sang các loại truyện trinh thám, hình sự vừa thư giãn mà cũng là cách học thêm từ mới.

Duy trì việc sử dụng tiếng Anh hàng ngày cực kỳ quan trọng. Trong 3 năm không viết và nói tiếng Anh, 2 kỹ năng này giảm sút rõ nét mặc dù tôi có nền tảng căn bản khá. Nhiều bạn sẽ hỏi vậy em làm công ty Việt Nam, đang sống tại VN thì viết và nói tiếng Anh kiểu gì? Giờ đây mọi thứ dễ dàng hơn nhiều nhờ Internet, facebook. Bạn cứ viết và đưa cho người khác sửa, bạn vẫn có thể nói chuyện mỗi ngày với thầy Tây qua skype, hay tham gia các chủ đề qua webinar, bạn sẽ giao tiếp với người sử dụng tiếng Anh khác. Làm như vậy, bạn sẽ có thể đắm mình vào môi trường tiếng Anh ở mọi lúc mọi nơi. Tôi gặp 1 em ở NZ học tiếng anh gần 3 năm, đến trường thi tiếng Anh phần nói vẫn không tốt. Hỏi ra em bảo ngoài thời gian học ở trường, về nhà em toàn giao tiếp với các bạn cùng phòng bằng tiếng Việt, rồi đi làm cũng với người Việt. Em nghe tôi khuyên, giờ em dọn ra ngoài không ở cùng với người Việt nữa để cố gắng nói tiếng Anh nhiều nhất có thể.

Luyện tập với các bài thi mẫu trong quyển Cambridge để làm quen với cách làm bài. Tôi biết vậy, cũng mua sách về nhưng có thèm luyện đâu. Mua để kệ sách đóng bụi chơi. Vậy mà khuyên nhỏ bạn già học từ quyển số 8 đến 11, cô ta lấy 6.5 trong vòng 4 tháng. Cô này cũng khoảng 4-5 năm không dùng đến tiếng Anh. Có ai tham gia nhiều diễn đàn IELTS không? Rồi có học được từ đó không hay cũng tham gia cho có. Tính kỷ luật rất quan trọng, một ngày đọc 5 trang là 5 trang, có mệt mỏi vì đi làm nặng nhọc thì cũng mà cố đọc cho hết 5 trang rồi hẵn ngủ. Cố thêm 1 chút cũng không quá cố đâu mà lo!

Hãy từ bỏ xe máy để đi làm, chọn xe buýt rồi đi bộ đến chỗ làm (các bạn đang ở VN). Bạn sẽ có thời gian đọc sách, nghe Podcast khi tham gia giao thông, vừa an toàn vừa nâng cao kiến thức. Cố mà mua 1 quyển sách nguyên gốc có bản quyền (vừa mắc tiền) để tiếc của mà đọc mỗi ngày. Đừng có ham download ebook, down về rồi chứ chẳng có đọc đâu. Tôi hỏi 10 người rồi, cả 10 bảo ham thì down thôi, có đọc cũng không hết quyển sách. Mà cầm quyển sách thì nó trông trí thức hơn là cầm cái ipad nhỉ.

PS: Tôi đang nhờ một người bạn học là Giám Đốc Tài Chính của 1 tập đoàn truyền thông lớn nhất VN viết bài chia sẻ về hành trình lấy IELTS 8.0 của 1 người bận rộn. Hy vọng bạn ấy có thể thu xếp được thời gian để chia sẻ cho các bạn trong thời gian tới.

Spread the love
Scroll to Top
Scroll to Top